TRUYỆN CỔ GRIMM – ĐOÀN DOÃN (dịch)
Lượt xem:
Anh em nhà Grimm là hai anh em người Đức Jacob Ludwig Karl (1785 – 1863) và Wilhelm Karl Grimm (1785 – 1859). Hai anh em Grimm là những nhà ngôn ngữ học và nghiên cứu văn học dân gian, họ được biết tới nhiều nhất với việc xuất bản các bộ sưu tập truyện dân gian và truyện cổ tích, trong đó có nhiều truyện cổ tích, trong đó có nhiều truyện nổi tiếng như Nàng Bạch Tuyết, Cô gái Lọ lem, Người đẹp ngủ trong rừng, Cô bé quàng khăn đỏ…
Truyện cổ Grimm là bộ truyện cổ dân gian Đức do hai anh em Jacob Grimm và Wilhelm Grimm sưu tầm ghi chép lại. Cả hai ông đều là những nhà ngôn ngữ học. Bộ sách được xuất bản ở Đức lần đầu tiên năm 1812, có tên gọi “Truyện cổ tích kể cho trẻ em và trong gia đình”. Mục đích của hai tác giả là kể lại cho trẻ nhỏ nghe những câu chuyện tưởng tượng để nuôi dưỡng tâm hồn ngây thơ trong trắng của các em, khiến mọi người thấy cuộc sống tươi vui và có những bài học răn dạy người đời. Bộ sách được anh em nhà Grimm bổ sung, sửa chữa hoàn thiện dần sau nhiều lần tái bản. Từ những câu chuyện rời rạc, không nhất quán về nội dung cũng như văn phong, hai ông đã biên soạn, chỉnh lí bằng ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, dí dỏm và giàu hình ảnh, câu văn được mài dũa kĩ lưỡng nhưng vẫn giữ lối kể chuyện dân gian, nâng nó thành tác phẩm kinh điển trong văn học thế giới. Kể từ khi hai anh em nhà Grimm mất, để tưởng nhớ công lao của hai ông, trong những lần tái bản sau đó, bộ sách mới có tên là “Truyện cổ Grimm”.
Ở Việt Nam, kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1982 tới nay, “Truyện cổ Grimm” đã được tái bản nhiều lần với nhiều phiên bản khác nhau. Nói về giá trị của tác phẩm, nguyên Tổng lãnh sự Cộng hòa liên bang Đức tại TP HCM Erhard Zander chia sẻ: “Trong thời buổi có những xung đột chính trị và khởi đầu của nhiều cuộc chiến tranh, người dân yêu thích những câu chuyện có lối hành văn súc tích và trong sáng, những câu chuyện đó để lại trong lòng họ hình ảnh của một thế giới hòa đồng, nơi thiện luôn luôn thắng ác… Những sự kiện tương tự nhất định cũng có trong lịch sử Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà truyện cổ Grimm được mọi người Việt Nam yêu thích”. Giáo sư Chu Xuân Diên cho rằng: “Đọc Truyện cổ Grimm, độc giả không những chỉ thấy lòng mình ấp áp hẳn lên vì nội dung nhân đạo của nó, trí óc mình sắc sảo thêm lên vì những kinh nghiệm về cuộc sống dồi dào của nó, cảm quan thẩm mĩ được thỏa mãn vì nghệ thuật kể chuyện trong sáng mà hấp dẫn của nó”.
Thư viện Trường PTDTNT THCS và THPT Krông Nô trân trọng giới thiệu quý độc giả.
(Thư viện)