CHÚNG TÔI ĂN RỪNG – GEORGES CONDOMINAS

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chúng Tôi Ăn Rừng

GEORGES CONDOMINAS (1921 – 2011)

Sinh năm 1921 tại Hải Phòng. Sau khi học trung học tại Pháp, cử nhân Luật và Mỹ thuật tại Hà Nội, Văn học và Dân tộc tại Paris, ông quay trở lại Việt Nam thực hiện chuyến điền dã đầu tiên ở vùng người Mnông Gar. Ông là tiến sĩ Văn học và Khoa học nhân văn, Giám đốc Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á và khu vực Nam đảo, Giáo sư thỉnh giảng tại một số trường Đại học ở Mỹ, Nhật Bản … Đề tài nghiên cứu chính: dân tộc học và từ vựng học những nhóm Nam Á thuộc Tây Đông Dương, đặc biệt là người Mnông Gar ở Trung bộ; Xã hội học về tôn giáo dân gian Lào; Dân tộc học về Madagascar.

Chúng tôi ăn rừng là một công trình nghiên cứu dân tộc học kinh điển của GS Georges Condominas, xuất bản năm 1957, dựa trên tư liệu ông ghi chép khi sống với dân làng Sar Luk trên cao nguyên miền Trung, Việt Nam. Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt và được in ở một nhà xuất bản danh tiếng nhất nước Pháp, nhà Mercure de France, nơi chỉ chuyên in những tác phẩm văn học của các nhà văn Pháp nổi tiếng nhất.

Nhà dân tộc học nổi tiếng Claude-Lévi Strauss đã nói: “Chúng tôi ăn rừng đã đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”.

Năm 1948-1949, khi mới 27 tuổi, G. Condominas đã đến sống lâu dài với dân làng Sar Luk, quan sát và tìm hiểu tại chỗ, không qua phiên dịch, về cuộc sống của những người Mnông Gar ở đây. Cách thức nghiên cứu coi “dân tộc học như một nghệ thuật sống” đã giúp ông có được những công trình viết nổi tiếng.

Người Mnông Gar, cũng như phần lớn những người miền núi Tiền – Đông Dương, “ăn rừng” theo cách nói của họ, nghĩa là họ canh tác bằng cách đốt rẫy. Georges Condominas đã đến với dân làng Sar Luk ở Tây Nguyên chia sẻ cuộc sống cùng họ trong suốt một năm tương ứng với một chu kỳ nông nghiệp trọn vẹn và đã mô tả lại trải nghiệm đó của ông trong cuốn sách này. Từ cuộc hiến tế trâu trong đám tang của Taang – Jieng, đám cưới của Jaang, vụ tự tử của anh chàng Tieng đẹp trai, đến Lễ Đất lớn, ta cùng sống với ông cho đến khi kết thúc năm Đá – Thần Gô

Bên cạnh một công trình nghiên cứu lý thuyết về cấu trúc của một xã hội, ông đã cung cấp trong cuốn sách này một bức tranh càng chính xác và tỉ mỉ về cách sống của những  con người cấu thành xã hội đó, và cái cách họ thực hiện sự tồn tại của chính “mẫu hình” văn hóa đó bằng những thí dụ cụ thể rút ra từ thực tế hằng ngày. Chẳng hạn, ở đây không đưa ra một lễ Tâm Bôh Mnông Gar lý thuyết, mà trình bày một lễ Trao đổi hiến sinh trâu cụ thể có ngày tháng và được đặt lại trong bối cảnh cuộc sống thường ngày – cuộc trao đổi giữa Baap Can và Ndêh: tức có phong phú thêm những chi tiết nằm ngoài chủ đề chính.

Tương tự, cuốn sách không phác thảo một lược đồ hôn nhân điển hình của người Mnông Gar, mà kể lại đám cưới của Srae và Jaang đã diễn ra như thế nào, với mọi tình tiết cụ thể.

Cuốn sách này đã từng được xuất bản tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm, nay Omega+ xuất bản lại với hình thức bìa mới và biên tập lại một số lỗi, nhằm mang đến cho độc giả một tác phẩm giá trị và kinh điển về nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam mà dường như đã bị quên lãng.

 

Thư viện Trường PTDTNT THCS và THPT Krông Nô  trân trọng giới thiệu quý độc giả.

(Thư viện)