MIỀN TÂY – TÔ HOÀI (tiểu thuyết)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội.

Tham gia cách mạng từ năm 1938 trong Hội ái hữu thợ dệt, Thanh niên phản đế, Truyền bá Quốc Ngữ và Văn hóa Cứu Quốc. Bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội và nhà tù Nam Định. Từ năm 1945 – 1957 làm phóng viên rồi chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút tạp chí Cứu quốc.

1957 – 1987: Tổng thư ký – phó tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

1966 – 1996: Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội – Tổng biên tập báo Người Hà Nội.

Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội.Nhà văn Tô Hoài đã được các giải thưởng:

Giải nhất tiểu thuyết của Hội văn nghệ Việt nam (1957 – Tây Bắc), giải thưởng Lotus của Hội nhà văn Á Phi (1970 – Miền Tây), giải A giải thưởng của Hội văn nghệ Hà Nội (1970 – Quê nhà), giải A giải thưởng Thăng Long của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (1972 – Chuyện cũ Hà Nội), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật(đợt 1 – 1996), giải nhất giải thưởng Học và làm việc theo tấm gương Hồ Chí Minh (2012 – Lăng Bác Hồ), giải đặc biệt giải thưởng Bùi Xuân Phái (2011).

Tiểu thuyết Tô Hoài là hình ảnh của dòng đời tự nhiên, chảy trôi miên viễn. Cuộc sống hiện ra dưới cái nhìn của Tô Hoài thật dung dị tự nhiên như nó vốn thế: có mọi thứ của sinh hoạt đời thường, vặt vãnh, cái tốt đẹp và cái tầm thường, có đời sống xã hội, vận động của lịch sử và đời sống thế sự, sinh hoạt phong tục.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Long

Đời thường, bình dị và trầm buồn, đó là miền núi của Tô Hoài. Những đặc trưng phong cách này đã khơi gợi lịch sử nhiều đau thương của miền núi theo một cách riêng, gần gũi và nhân bản. Nét dịu dàng, sâu lắng, giàu chất thi họa của nó cũng là một đặc sắc thẩm mĩ, vừa mộc mạc cổ điển vừa có sức sống lâu bền.

Phạm Duy Nghĩa

Bằng lối dựng chuyện tài tình, Tô Hoài đã khắc họa chân dung một cách tài ba về những nhân vật như Giàng Súa, Thào Khay, Vừ Sóa Tỏa. Trong tác phẩm, bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn song hành đã làm nên vẻ đẹp rất chân thật mà cũng rất giàu chất thơ mộng, lãng mạn của núi rừng.

Miên Thảo

Thư viện Trường PTDTNT THCS và THPT Krông Nô trân trọng giới thiệu quý độc giả.

(Thư viện)