GIA ĐỊNH TAM GIA – HOÀI ANH

Lượt xem:

Đọc bài viết

Gia Định Tam Gia là cuốn sách viết về niềm tự hào của đất Gia Định: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định. Cuốn sách là sự dàn trải chi tiết về cuộc đời của ba vị anh hào cùng những trang thơ hùng tráng và bất hủ.

Từ văn đàn Bình Dương thi xã, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh họp thành nhóm Gia Định tam gia . Trịnh Hoài Đức (1765 -1825) “để đời” với Gia Định thành thông chí và tập thơ Cấn trai thi tập. Lê Quang Định (1759 -1813) ngoài tài văn thơ, ông còn “nổi” trong nhóm với tài vẽ đẹp, viết chữ đẹp. Bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của ông được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Tập thơ Hoa nguyên thi thảo của Lê Quang Định đã trải ra những quan niệm thẩm mỹ đầy cá tính, với hứng thú sáng tạo của những “tao nhân mặc khách”. Còn Ngô Nhơn Tĩnh (?-1813) ngoài tài học giỏi, thơ hay, tài văn chương của ông còn phải được người Trung Quốc nhìn nhận khi đi sứ. Ngoài Thập Anh đường thi tập, Thập Anh văn tập, Nghệ An phong thổ ký, họ Ngô còn ghi dấu ấn của mình trên Gia Định tam gia thi tập và hiệu đính sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định. Gia Định tam gia “bề thế” không ở độ dày mà ở trình độ nghiên cứu, tìm tòi với những kiến giải công phu. Khi biên dịch và chú giải Gia Định tam gia , nhà thơ Hoài Anh đã căn cứ vào các bản khắc gỗ hiện còn lưu giữ tại thư viện Khoa học xã hội Hà Nội. Đồng thời, ông đã tham khảo những công trình nghiên cứu như Biên Hòa sử lược toàn biên, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục chính biên, Gia Định thành thông chí… Theo TS. Huỳnh Văn Tới – Bùi Quang Huy (chịu trách nhiệm hiệu đính, giới thiệu), thì từ trước tới nay cũng đã có một số công trình nghiên cứu nhưng chưa đủ “mặt” của Gia Định tam gia. Khi xuất bản bộ “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” (NXB Văn học, tập III, tái bản 1978), nhóm biên soạn do GS. Huỳnh Lý chủ biên chỉ mới tuyển dịch 11 bài của Trịnh Hoài Đức. Hoặc công trình “Sài Gòn – Gia Định qua thơ văn xưa” (Nguyễn Thị Thanh Xuân chủ biên, Nxb TP.HCM, 1987) cũng chỉ giới thiệu một số thơ của họ Trịnh mà không có “nhị vị” Lê – Ngô còn lại. Chưa thể gọi là đầy đủ, nhưng Gia Định tam gia sẽ giúp cho bạn đọc thêm vốn kiến thức về di sản văn hóa – lịch sử dân tộc với ba danh nhân – ba hồn thơ tài danh nhất Nam Bộ trong vòng 50 năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Gia Định tam gia là danh xưng đương thời gọi ba nhà thơ nổi tiếng đất Gia Định: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định. Cả ba đều là học trò của Xử sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, nổi danh phong nhã, hay thơ và đều làm quan cao trong triều, đồng thời từng là những vị sứ thần đầu tiên của triều Nguyễn Gia Long. Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh còn là những người lập ra thi xã Bình Dương (theo Liệt truyện), hay Gia Định Sơn hội (theo lời của Trịnh Hoài Đức trong bài Tự tự (tự đề tựa) cho tập thơ Cấn Trai thi tập), đã nối mạch và dẫn nguồn cho các thi xã ở Nam Bộ sau này như thi xã Bạch Mai.

Sách gồm các chương sau:

Gia Định Tam Gia niềm tự hào của một vùng đất

Bảng viết tắt và ký hiệu

Trịnh Hoài Đức (tiểu sử)

Trịnh Hoài Đức tiếng thơ Gia Định-Đồng Nai

Cấn Trai thi tập

Thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức

Ngô Nhơn Tĩnh (Tiểu sử)

Ngô Nhơn Tĩnh con người và thơ văn

Thập Anh Đường thi tập

Lê Quang Định (Tiểu sử)

Lê Quang Định con người và thơ văn

Hoa Nguyên Thi Thảo

Thư viện Trường PTDTNT THCS và THPT Krông Nô trân trọng giới thiệu quý độc giả.

(Thư viện)